Nhiều người cho rằng việc lập kế hoạch marketing là điều không cần thiết vì nó chỉ làm lãng phí thời gian và công sức mà không mang lại kết quả gì. Quan điểm này có đúng hay không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu được kế hoạch marketing là gì, tầm quan trọng của nó trong doanh nghiệp và các bước để lập một bản kế hoạch kinh doanh.
Kế hoạch marketing là gì?
Để hiểu rõ định nghĩa kế hoạch marketing, thì bạn cần tìm hiểu trước Khái niệm Marketing là gì?
Kế hoạch marketing (Marketing plan) là một tài liệu bằng văn bản bao gồm toàn bộ quá trình triển khai các hoạt động marketing dự kiến của doanh nghiệp. Nhà quản trị và những người làm marketing dựa vào những phân tích, nghiên cứu từ thị trường để đề ra những chiến lược, chiến thuật với mục tiêu trung hạn, ngắn hạn cho doanh nghiệp hoặc cho một nhóm sản phẩm, dịch vụ cụ thể.
Một bản kế hoạch marketing sẽ thể hiện rõ các nội dung bao gồm: mục tiêu marketing của doanh nghiệp; chiến lược, chiến thuật và hành động cụ thể cần thực hiện; công cụ, phương tiện hỗ trợ cần thiết; ngân sách dự kiến chi ra để thực hiện.
Tầm quan trọng của kế hoạch marketing trong doanh nghiệp?
Trong hoạt động kinh doanh bất kì một doanh nghiệp nào, bản kế hoạch marketing luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Giúp doanh nghiệp định hướng đúng khách hàng, phát triển sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của thị trường mục tiêu. Các hoạt động marketing trong doanh nghiệp cũng được thực hiện một cách suôn sẻ và hiệu quả hơn. Doanh nghiệp xây dựng bản kế hoạch marketing hiệu quả sẽ nhận được những lợi ích như:
- Xác định được thị trường mục tiêu, nắm rõ thị hiếu người dùng và cung cấp sản phẩm/dịch vụ đáp ứng đúng nhu cầu của họ.
- Các mục tiêu được đặt ra với khung thời gian cụ thể, có thể đo lường hiệu quả của các hoạt động marketing.
- Chiến lược được vạch ra chi tiết, rõ ràng để tiếp cận đối tượng mục tiêu dễ dàng hơn.
- Giúp mọi người trong doanh nghiệp hành động, nỗ lực trên cùng một định hướng.
- Liệt kê cụ thể các việc cần làm, tránh sai hướng gây lãng phí thời gian và nguồn lực.
Việc xây dựng một bản kế hoạch marketing hiệu quả có thể tốn thời gian và ngân sách nhưng những giá trị nó lại mang lại có thể đóng góp rất lớn cho thành công của doanh nghiệp.
Các bước lập bản kế hoạch marketing hiệu quả

Các doanh nghiệp có thể có sự khác nhau về ngành nghề, sản phẩm, mục tiêu kinh doanh. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp khi lập kế hoạch marketing đều trải qua các bước cơ bản sau:
Xác định mục tiêu kinh doanh
Một số câu hỏi bạn cần trả lời để xác định được mục tiêu kinh doanh như: Thị trường mục tiêu của bạn là ai? Phân khúc thị trường tiềm năng?… Doanh nghiệp sẽ dễ dàng đưa ra được những hướng đi cụ thể khi biết được thị trường mục tiêu và nhu cầu của khách hàng. Mục tiêu đề ra cũng khả thi và không xa rời thực tế.
Phân tích cơ hội thị trường
Các doanh nghiệp cần tìm kiếm những thuận lợi của thị trường tạo ra cơ hội cho mình, phát hiện được những biến đổi có thể trở thành cơ hội mà doanh nghiệp có thể khai thác, tận dụng triệt để các cơ hội đó để phát triển.

Doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình SWOT để phân tích điểm mạnh, điểm yếu cũng như cơ hội và thách thức của mình. Ứng dụng phân tích các yếu tố trong môi marketing hay sử dụng các phương pháp xác định các cơ hội thị trường.
Ví dụ như phương pháp “kẻ hở trên thị trường“ của Richard M. White, đó là phát hiện những nhu cầu chưa được thỏa mãn của khách hàng để đáp ứng; hoặc phương pháp phân tích bằng mạng mở rộng sản phẩm/ thị trường (thâm nhập thị trường, mở rộng thị trường, phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm),…
Lựa chọn các thị trường mục tiêu
Đây là bước vô cùng quan trọng trong hoạt động marketing mà doanh nghiệp cần phải xác định rõ trong kế hoạch marketing.Trong bước này, bạn cần làm rõ các câu hỏi:
- Ai là khách hàng mục tiêu hoặc khách hàng tiềm năng?
- Những nhu cầu và mong muốn cần được thỏa mãn của họ là gì?
- Các chiến lược marketing cần hướng đến cho tất cả khách hàng của công ty nói chung và nhóm khách hàng mục tiêu nói riêng?
Tại bước này doanh nghiệp cần:
Đo lường và dự báo nhu cầu thị trường để đảm bảo các nỗ lực hoạt động marketing có tính khả thi. Việc đo lường nhu cầu giúp doanh nghiệp quyết định cách thức xâm nhập thị trường thông qua việc ước lượng được các nhu cầu hiện tại, tương lai và các yếu tố tác động đến nhu cầu đó.
Phân đoạn thị trường là công việc tiếp theo mà doanh nghiệp cần làm. Bởi vì mỗi phân khúc thị trường khác nhau đều có những yếu tố không đồng nhất về nhân khẩu học như giới tính, độ tuổi, mức thu nhập, trình độ văn hóa – xã hội,… Tùy thuộc vào từng nhóm khách hàng mà họ sẽ có nhu cầu và mong muốn khác nhau. Chính vì vậy doanh nghiệp cần phân chia khách hàng theo các nhóm khác nhau (phân đoạn thị trường) để có thể nhận thấy rõ sự khác biệt đó. Từ đó tạo ra sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn.
Định vị doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường để tìm ra lợi thế cạnh tranh của mình. Tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp để thu hút khách hàng về phía mình.
Triển khai Marketing mix
Sau khi đã xác định mục tiêu marketing, tiếp theo doanh nghiệp cần triển khai các hoạt động Marketing mix. Marketing mix (hay còn gọi là Marketing hỗn hợp) là công cụ phổ biến nhất mà các marketer sử dụng để đưa ra sự lựa chọn kênh phân phối, phương tiện truyền thông quảng cáo sản phẩm. Thuật ngữ này chỉ tập hợp các công cụ marketing được doanh nghiệp sử dụng để đạt được mục tiêu tiếp thị trên thị trường.
Marketing mix trong doanh nghiệp sản xuất/kinh doanh hàng hóa thường bao gồm 4P: Sản phẩm ( Product), Giá (Price), Phân phối (Place), Xúc tiến (Promotions) và ngành dịch vụ có thêm 3P đó là: Process (quy trình), People (con người), và Physical Evidence (cơ sở vật chất).
Bạn có muốn tìm hiểu thêm về Marketing mix
Tổ chức thực hiện các chiến lược marketing
Việc tiếp theo sau khi đã lên kế hoạch là triển khai tổ chức thực hiện các bước trong bản kế hoạch marketing. Một kế hoạch dù có hoàn hảo nhưng nếu doanh nghiệp không biết cách tổ chức hiệu quả cũng sẽ không mang lại giá trị gì. Một số kỹ năng cần thiết trong tổ chức thực hiện các hoạt động marketing trong doanh nghiệp như:
- Tổ chức bộ phận marketing phối hợp với nhau và với các bộ phận khác để thực thi các chiến lược marketing.
- Tổ chức bộ phận marketing thích hợp với quy mô hoạt động marketing của doanh nghiệp.
- Xác định và phân chia nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận và nhân viên.
- Tạo động lực, động viên bằng hệ thống tuyên dương khen thưởng giúp thúc đẩy các bộ phận phát huy tối đa năng lực làm việc.
- Xây dựng bầu không khí làm việc thoải mái để toàn bộ nhân viên đều nỗ lực trong việc thành đạt mục tiêu.
Kiểm tra hoạt động marketing
Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch marketing, doanh nghiệp cần kiểm tra thường xuyên từng giai đoạn để tránh sai sót nghiêm trọng.
Khi nhu cầu của khách hàng thay đổi liên tục và đối thủ cạnh tranh cũng không ngừng đưa ra những chiến lược marketing mới nhằm thao túng thị trường. Thì bước này sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt nhu cầu khách hàng, rút ra kinh nghiệm để điều chỉnh chiến lược kịp thời hiệu quả, từ đó tăng lợi thế cạnh tranh.
Muốn biết nhiều hơn các kiến thức về Marketing thì ghé Multicontents để xem nhé!
29 Tháng Một, 2022