Tìm lại đứa bé trong ta – Tôi năm nay 29 tuổi, và hẳn những ai trong độ tuổi này đều phần nào cảm thấy họ có những điểm chung, như là: khó khăn trong chuyện kết bạn, thời gian trôi qua nhanh hơn, hay thấy bất mãn với bản thân hơn… tất cả những thứ đấy.
Và chắc hẳn, cái cơ thể kỳ diệu của tôi nó biết tôi cần gì, đôi khi nó nhắn nhủ tôi bằng một số dấu hiệu như: tần suất của những cảm giác tiêu cực, cơ thể bắt đầu nhức mỏi chỗ này chỗ kia, hay chuyện tôi đọc sách mà phải đọc đi đọc lại một cái đoạn đến 3 lần vì không thể tập trung được.
Bên cạnh những dấu hiệu đó, tâm trí còn báo hiệu cho tôi bằng một hình thức khác:
Những giấc mơ của tuổi thơ, của những ngày muôn năm cũ.
Trong những giấc mơ đấy, tôi sẽ đi tới nhà thằng Phong và thằng Nhân để tìm tụi nó – vốn là hai đứa bạn thân hồi còn mẫu giáo và tiểu học, nếu thấy tụi nó thì tôi vui lắm, cứ như mình chợt tìm thấy một món đồ cũ quý giá vậy, rồi tụi tôi sẽ túa đi chơi. Hoặc những giấc mơ trở về trường cấp 2, cấp 3, gặp đám bạn cũ, chơi trong sân trường. Hoặc khi tôi phải xách quần lên mà chạy gấp để kịp giờ làm bài kiểm tra, và hú hồn khi phát hiện ra là hôm đó không kiểm tra, cô giáo thì cười hiền như cô tiên.
Tôi thích những giấc mơ như vậy, vì nhờ chúng mà tôi có cơ hội được sống lại những ký ức đẹp thuở xưa, và cảm giác là rất thật: lòng hân hoan tràn đầy hy vọng, cùng chúng bạn xông pha vào những miền đất phiêu lưu kì bí – dù chúng chỉ là một góc vườn, một căn nhà bỏ hoang, hay một con hẻm chưa có dấu chân của chúng tôi.
Đó là lý do sau khi thức giấc, tôi thường mỉm cười, cảm thấy ngày mới thật là đẹp. Những khoảnh khắc như vậy cũng khiến tôi thường nghĩ về điều này: rằng liệu ta có thể tìm lại phần nào cái sự tràn đầy như thế của tuổi thơ trong đời sống vật chất, nhàm chán và đầy áp lực này chăng?
Bài viết này là suy tư của tôi cho câu hỏi đó.
Những đặc điểm dễ nhận thấy của con nít
Trước hết, hẳn ta cần điểm danh một số đặc điểm của con nít (tầm 4-10 tuổi, cho dễ hình dung), để xem liệu ta có thể học và không học được gì từ chúng:
1) Thích đi chơi, phiêu lưu đây đó.
Đây cũng là bản chất của con người dù lớn hay bé, đó là lý do đa phần mấy phim ăn khách nhất thường mang tính phiêu lưu là vậy.
2) Tò mò về mọi thứ. Trí tưởng tượng bay bổng. Tìm thấy điều kì diệu trong những thứ nhỏ bé, đơn giản.
3) Tràn đầy năng lượng, ít suy nghĩ: các bạn ấy muốn từ điểm A đến điểm B thường là chạy. Nói rất nhiều. Hay cười. Tối phải bắt đi ngủ mới chịu.
4) Vô tư. Dễ kết bạn. Xóm nào mà có con nít thì kiểu gì tụi nó cũng vớ lấy nhau, đứa nhỏ đứa to đội hình tuy không đồng đều, nhưng đảm bảo vui.
5) Tham lam. Hay vòi vĩnh. Vô tâm. Cả thèm chóng chán. Vài đứa khá bạo lực khi giành đồ chơi hoặc khi bị gì đó trái ý. Một số đứa trộm cắp, phá làng phá xóm.
6) Không bị gánh nặng trách nhiệm với gia đình, xã hội như người lớn.
Sau khi liệt kê ra một mớ như trên, thì có một số yếu tố nổi bật ta có thể tham khảo và bàn luận:
– Sự hồn nhiên vô tư, dễ kết bạn (Con nít với người khác)
– Tràn đầy năng lượng sống, ít suy nghĩ (Con nít với bản thân)
– Lòng tò mò bao la, thấy sự kì diệu trong điều đơn giản (Con nít với thế giới)
Cũng cần lưu ý là: chúng ta chỉ tham khảo cách con nít sống, chứ không phải sống như con nít.
Sự hồn nhiên vô tư, dễ kết bạn
Có một điều tôi phải thừa nhận, rằng càng lớn càng khó kết bạn.
Cái khác biệt lớn nhất của ta với con nít, là ta kết bạn dựa vào những thói quen khá vị lợi, như là: “chúng ta là trung bình cộng của 5 người ta hay chơi”, “gần đèn thì sáng, gần mực thì nhậu”, chỉ chơi với người giỏi và giàu,… đại loại như thế: ta chỉ chơi với ai mà ta có thể lợi dụng được. Thói quen này hình thành từ hồi nhỏ, khi bố mẹ hứa sẽ thưởng này nếu làm nọ, và trường học cũng có hình thức thưởng phạt, trọng thành tích giống vậy: Ta coi nhẹ cái vui hiện tại, để nhắm tới cái lợi ích tương lai.
Thói quen vị lợi tạo ra những mối quan hệ khá phông bạt, chỉ dựa trên những lợi ích bề nổi, những thứ dễ bị thổi bay bởi một hai làn gió lạ; đó là lý do bạn bè kiểu của người lớn ban đầu khá vui, “tôi hát anh khen hay, anh hát tôi vỗ tay”, nhưng tới lúc gặp chuyện, đặc biệt là khi bạn nói lên điều trái ý, là họ lật mặt lẹ như lật bánh xèo vậy: thế là người ta phải sống kín kẽ, đạo mạo, hai mặt để giữ mối quan hệ.
Ngay cả nếu bạn vô tư, nghĩ gì nói đó, thì bạn cũng sẽ thấy những người xung quanh không dễ vô tư như vậy, vì cơ bản là càng lớn thì cái Tôi của một người càng định hình cùng những hệ giá trị quan, nhân sinh quan khác nhau, bên cạnh hoàn cảnh sống, nghề nghiệp, tuổi tác, con cái, tình trạng hôn nhân,… đủ thứ để cân nhắc cả: đó là cách xã hội vận hành, ai cũng có những nỗi khổ tâm riêng, và ta cần dần chấp nhận thực tế đó.
Sau khi thấy kỳ vọng vào người khác là điều quá khó, và bản thân mình cũng chẳng phải là người hoàn hảo, thì tôi lựa chọn một cách mà tôi nghĩ là hợp lý nhất: đó là kết bạn với chính tôi – người bạn thân nhất cuộc đời, người không bao giờ bỏ rơi tôi.
Lêu lêu vừa khóc vừa cười ăn mười cục cứt. ahaha (một đứa con nít nào đó)
Hồi nhỏ, tôi có rất ư là nhiều thời gian chơi một mình, như là xây lâu đài cát bên bãi biển, hay dành cả buổi để lượm đá xây đập ngăn con suối nhỏ – bắt chước con hải ly trên truyền hình, hoặc lượm cả trăm cái nắp chai để chơi đánh trận giả: đối với tôi, một mình không phải là vấn đề, vui là đằng khác.
Về phần bạn bè, tôi cho rằng nếu tôi có thể chấp nhận bản thân, vui với chính mình, và sống một cách tự nhiên nhất có thể, thì trước mắt tôi sẽ ít phụ thuộc tâm lý vào người khác, sau nữa là hẳn tôi cũng sẽ dễ thu hút những người giống tôi; được vậy thì tôi không cần phải cố gắng đi kết bạn nữa, mà chuyện kết bạn sẽ trở nên tùy duyên, thoải mái, chẳng cần lo nghĩ.
Với quan điểm đó, sau này tôi cảm thấy khá cởi mở trong chuyện kết bạn, không có nhu cầu nhắm tới những người giàu hay giỏi, và rất hiếm khi tôi cảm thấy cô đơn. Tôi cũng không cần gồng mình duy trì tình bạn như trước: tình bạn đến, tình bạn đi, như một ngày đến, một ngày đi vậy. Quan trọng là tình bạn đó cần ý nghĩa, như một ngày cần ý nghĩa của nó: sự đồng điệu, thoải mái, cho hiện tại, nếu hết rồi thì thôi.
Vả lại, tôi nghĩ, nếu tôi vui với chính mình, thì điều đó cũng có lợi hơn cho những người bạn sau này của tôi, giống như vì tôi yêu loài người, nên tôi mới thích ở một mình vậy: làm bạn với bản thân chính là nền tảng vững chắc cho các mối quan hệ sau này.
Tràn đầy năng lượng sống, ít suy nghĩ
Bạn có nhớ những ngày hè rực rỡ, khi mà tuy chỉ kéo dài vài chục ngày, nhưng thời gian dường như vô tận với đầy ắp kỷ niệm không?
Trong khi đấy, càng lớn ta lại thấy thời gian càng có vẻ trôi nhanh hơn, nhạt nhẽo vô vị hơn.
Nếu bạn bây giờ tầm 25-30 tuổi, thì bạn sẽ thấy là 5, 10 năm vừa qua trôi qua khá nhanh: đứa cháu mới đó nói còn chưa sõi, giờ đã có người yêu. Đó là vì nguyên tắc tâm lý xung quanh ý thức về thời gian qua các độ tuổi.
Một ngày bình thường của người lớn sẽ là công việc, tiếp xúc chừng đó người, di chuyển, về nhà giải trí, và cứ như thế, lặp đi lặp lại: họ bị giới hạn trong các hành vi nhất định cả về cơ thể lẫn tâm trí. Họ không thể đơn giản là “thôi mai nghỉ, đi chơi” để tạo ra những khả năng mới mẻ trong cuộc sống được.
Đó là lý do sáng ra thức dậy ta thường sẽ vớ ngay cái điện thoại, vì khi mới thức ta sẽ cảm thấy trống rỗng, do không có gì mới mẻ khiến ta háo hức, và để thoát khỏi cảm giác trống rỗng đó, ta cầu viện cái điện thoại để tìm lại những cảm giác quen thuộc, những cảm giác ta thường lặp lại hàng ngày, ví dụ như thói quen lướt mạng xã hội: thế là ta bắt đầu ngày mới với tâm trí cũ kỹ, với những cảm giác cũ kỹ.
Ngay cả khi ta nghĩ chuyện tương lai, thì tương lai đó cũng lên ý tưởng từ những kinh nghiệm cũ, do vậy tương lai đó cũng trở nên cũ nốt. Cái quy luật này thể hiện ở 2 công thức sau: “Khi tôi đạt được X, tôi sẽ thỏa nguyện” vì thói quen vị lợi, nhắm đến lợi ích tương lai, và “tôi sợ tương lai tôi sẽ nghèo, khổ, không ai chơi với tôi nếu tôi làm Y” vì ám ảnh những ký ức tiêu cực trong quá khứ.
Chính quy luật tâm lý trên đã dẫn đến một trong những nỗi hối hận lớn nhất của người già, đó là:
"Tôi ước gì tôi đã sống một cuộc đời tôi thật sự mong muốn, chứ không phải cuộc đời mà người khác muốn tôi phải sống".
Ai cũng có những mong muốn nhất định, nhưng vì cứ bám vào lề thói tư duy hằng ngày, rằng “thôi mai bắt đầu”, “thôi đợi đến lúc X thì mình sẽ Y”, mà không biết rằng ngày mai đó, hay X đó, có thể là tháng sau, năm sau, hay mãi mãi.
Con nít tuy bị giới hạn trong không gian sống nhỏ hẹp, nhưng bởi vì chúng chưa có kinh nghiệm sống, chưa định hình cái Tôi cùng những nhãn dán, định kiến, và trách nhiệm kèm theo, nên chúng cũng không có thói quen suy nghĩ về quá khứ và tương lai nhiều như người lớn. Chính vì không nghĩ nhiều, không tốn năng lượng tinh thần, nên chúng có xu hướng sống đúng với chính mình, hiếm khi mâu thuẫn nội tâm, do vậy cũng luôn tràn đầy năng lượng sống.
Để cảm thấy tràn đầy năng lượng, ta cần phải học cách sống cho hiện tại.
Sống cho hiện tại, không phải là sự nỗ lực theo đuổi danh vọng, tiền bạc, hay dành thời gian chìm đắm trong những thỏa mãn nhất thời và thụ động như coi porn, luyện phim, lướt mạng xã hội. Sống cho hiện tại, chính là việc ta lựa chọn những dự án tự nó khiến ta vui, không nhằm thỏa mãn cái Tôi, mang tính chủ động và sáng tạo, dù không lợi ích gì cụ thể, và dành thời gian chìm đắm trong chúng: như đứa bé chạy ùa ra ngoài sân để tập chạy xe đạp vậy.
Bởi vì người lớn ít nhiều đều bị giới hạn về công việc, thời gian, nên sẽ khó để ta có một công việc thỏa mãn đam mê. Do vậy, ta có thể dành ra một khoảng thời gian rảnh trong ngày, hoặc trong tuần, để trở lại với đứa bé trong ta, qua những sở thích: Sở thích chính là cửa sổ mở ra những khả năng mới trong cuộc sống của ta, đồng thời làm ngắt quãng những thói quen có hại như lo nghĩ hay nghiện những thỏa mãn nhất thời.
Sở thích thì sẽ tùy người tùy cảnh, có người thích vẽ, người thích làm mộc, người thích du lịch. Tôi thì tìm thấy hoạt động đấy trong chuyện tìm học tri thức và viết lách. Sở thích này tuy chiếm khá nhiều thời gian, nhưng cái niềm vui của lòng tò mò với cái mới, rồi chủ động, sáng tạo với vấn đề trước mắt, khiến tôi cảm thấy có thể chìm đắm trong nó trong nhiều ngày, nhiều năm, thậm chí có lúc quên cả ăn, và sau khi xong mỗi dự án (viết lách) thì tôi thường thấy rất mãn nguyện, cảm thấy “đủ”.
Lòng tò mò, thấy điều kì diệu trong thứ đơn giản
Nếu các bạn có dịp quan sát lũ mèo con, bạn sẽ thấy rằng chúng rất sinh động, tươi vui, chạy nhảy tưng bừng suốt cả ngày không biết chán.
Nhưng mèo lớn thì khác, chúng nằm lười, chỉ biết ăn uống ngủ ị, thế giới trở nên nhàm chán và lặp lại đối với chúng.
Con người khác con mèo ở chỗ, ta có thể chủ động sáng tạo và làm mới tâm trí mình suốt cả đời, chừng nào tâm trí ta còn minh mẫn và còn lòng tò mò. Đó là lý do nhân loại chúng ta luôn luôn có những kẻ mộng mơ: họ tạo nên máy bay để chinh phục bầu trời bao la rộng khắp, tạo nên những vần thơ để khơi dậy trong ta những cảm xúc tuyệt vời, tạo nên những trò chơi, bộ phim, và tác phẩm văn chương vĩ đại để ta được hóa thân vào những cuộc đời rất khác.
Đối với con nít, có rất nhiều thứ chúng mới thấy lần đầu, nên chúng sẽ kinh ngạc, nhìn ngắm những áng mây thành con khủng long, con vịt, hay chỉ cần cho chúng một mảnh vườn, chúng đã có thể sở hữu một thế giới phiêu lưu kì vĩ với cỏ cây, với sâu với kiến, thậm chí với những cục đá đủ mọi hình thù.
Người lớn chúng ta khó mà ngắm nhìn những thứ quen thuộc bằng con mắt mới mẻ như vậy được, bởi ngay cả khi gặp điều mới mẻ, ta cũng mang những kỳ vọng, tâm trí cũ kỹ để giao tiếp với chúng: ví dụ như khi gặp một người mới, ta nghĩ “Có lợi gì?” vậy.
Làm mới tâm trí, do vậy, là một công tác khó khăn, vì nền giáo dục từ nhỏ đã uốn nắn chúng ta nghĩ cái gì (what to think), thay vì nghĩ như thế nào (how to think). Chúng ta không được khuyến khích phát biểu suy nghĩ riêng, ngay cả môn văn là môn hiếm hoi ta được phát biểu ý kiến, thì thầy cô cũng cần phải chấm theo giáo án, đếm ý mà cho điểm. Thế là cơ thể ta già cỗi dần, đồng thời tâm trí cũng già cỗi theo.
Sở thích thôi là chưa đủ, bởi những nề nếp tư duy hàng ngày, nếu quá tiêu cực, thì chúng có thể ăn mòn tâm trí ta tới mức ta thậm chí đánh mất niềm vui với những thứ mà ta từng rất thích. Cho nên, ta cần dối diện dũng cảm hơn với những nề nếp tư duy ấy.
Bạn hãy thử quan sát bản thân, và những người lớn quanh bạn xem: có phải chúng ta có rất nhiều nỗi sợ, rất dễ phản ứng khi mà có một sự kiện, một ý kiến, lập luận nào đó có nguy cơ làm đổ bể tức tường vô hình mà ta dựng lên để bảo vệ tâm trí mình không? Nỗi sợ, không chỉ là về mặt sinh lý bẩm sinh như thấy rắn là bỏ chạy, mà còn có nỗi sợ về mặt tâm lý do ta tự tạo nữa.
Vậy nên, để tìm lại sự dũng cảm của con nít thuở đầu, ta cần đối diện thử xem cái ta đang sợ có thực sự đáng sợ như ta nghĩ không. Và theo kinh nghiệm của tôi thì, nó không đáng sợ như chúng ta tưởng tượng. Điều này đến từ quy tắc tâm lý đó là ta thường sợ cái không có thật (cái trong tâm trí).
Khi đã nuôi dưỡng được lòng tò mò, bằng cách cứ đặt câu hỏi liên tục, và dũng cảm đi tìm câu trả lời, bạn sẽ thấy là cái thứ bạn đang tìm hiểu bỗng dưng trở nên rất thú vị, và chứa đựng nhiều điều cần khám phá thêm, khác hẳn với bạn nghĩ trước đó: cho dù đó là con kiến, cành cây, là bác nông dân, hay anh chạy Grab, hoặc đó là cái còn đang mỉa mai bạn, hay nỗi buồn bị thất tình.
Bài viết được cải biên lại từ bài viết “Tìm loại đứa bé trong ta của tác giả Trà Kha. Nếu có khiếu nại chúng tôi sẽ gỡ xuống ngay lập tức.
Theo dõi chúng tôi nhiều hơn tại fanpage nhé!
15 Tháng Chín, 2021