Mục tiêu cuối cùng của Marketing vẫn là duy trì và nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp. Cùng Multi-contents tìm hiểu kỹ hơn về marketing, các khái niệm và bản chất thực sự của marketing.
Các khái niệm marketing
Có quan điểm cho rằng: Marketing là hệ thống nhiều biện pháp mà người bán hàng sử dụng để bán được sản phẩm (hàng hóa/dịch vụ). Người ta lầm tưởng rằng Marketing chỉ đơn giản là tiếp thị để thúc đẩy bán hàng và kích thích tiêu thụ.
Vậy một câu hỏi đặt ra là nếu một sản phẩm chất lượng kém, không phù hợp với nhu cầu của người dùng hoặc giá cả không hợp lý thì có được khách hàng lựa chọn mua hay không? Câu trả lời là chắc chắn là không, bởi vì khách hàng chỉ ưu tiên lựa chọn những sản phẩm thỏa mãn đúng nhu cầu và mong muốn của họ.
Vậy rút ra, Marketing là quá trình làm việc với thị trường nhằm thoả mãn những nhu cầu và mong muốn của con người, hoặc Marketing là một dạng hoạt động của con người (cá nhân hoặc tổ chức) nhằm thoả mãn nhu cầu và mong muốn thông qua trao đổi.
Bản chất của Marketing

Bản chất Marketing là những hoạt động của con người diễn ra trên thị trường, Marketing có nghĩa là biến những trao đổi tiềm ẩn trên thị trường thành hiện thực với mục đích thỏa mãn những nhu cầu, ước muốn của con người.
Trong quá trình trao đổi, bên nào tìm kiếm cách trao đổi tích cực hơn so với bên kia thì được gọi là người làm Marketing, bên còn lại được gọi là khách hàng. Như vậy, bản chất không chỉ có người bán mới làm Marketing mà người mua cũng có thể. Tuy nhiên với bài viết này chỉ tập trung nói đến Marketing của người bán.
Chúng ta cần tìm hiểu một số khái niệm dưới đây để hiểu rõ hơn khái niệm và bản chất của Marketing.
Nhu cầu tự nhiên, mong muốn và nhu cầu có khả năng thanh toán
Để hiểu một cách đơn giản nhất, người ta thường hiểu rằng nhu cầu thị trường là những đòi hỏi, nhu cầu của thị trường về một sản phẩm nào đó. Thực tế thì nhu cầu thị trường là một thuật ngữ bao gồm ba mức độ: nhu cầu tự nhiên, mong muốn và nhu cầu có khả năng thanh toán.
Nhu cầu tự nhiên (Need)
Là cảm giác con người cảm nhận đang thiếu hụt một cái gì đó, có thể là vật chất hoặc tinh thần. Trạng thái thiếu hụt này đòi hỏi được thỏa mãn, ví dụ như nhu cầu thực phẩm, nhà ở, ăn mặc,…
Nhu cầu tự nhiên xuất phát từ những quy luật tâm sinh lý của con người chứ không do xã hội hay những người làm marketing tác động tạo ra. Người làm Marketing chỉ có thể tìm ra những nhu cầu tự nhiên mới chứ không thể tạo ra nhu cầu tự nhiên. Từ đó làm tiền đề để phát hiện những cơ hội kinh doanh tiềm ẩn.
Tuy nhiên, trên thị trường có nhiều sản phẩm cùng đáp ứng được nhu cầu tự nhiên, để cạnh tranh với đối thủ thì chúng ta cần tìm hiểu nhu cầu ở mức độ cao hơn đó là mong muốn.
Mong muốn (Want)
Là nhu cầu tự nhiên ở dạng đặc thù đòi hỏi được đáp lại bằng một hình thức đặc thù phù hợp với trình độ văn hoá và tính cách cá nhân của con người. Đây là hình thái nhu cầu của con người ở dạng cụ thể hơn, rõ nét hơn. Khác với nhu cầu tự nhiên ổn định, ước muốn thay đổi không ngừng.
Trên thực tế việc tìm ra ước muốn không dễ như nhu cầu tự nhiên. Mong muốn của con người đôi khi tiềm ẩn mà chính họ cũng không nhận biết được, cho đến khi nhà kinh doanh gợi mở thì nó lại biến thành sức mua mạnh mẽ. Việc hiểu rõ ước muốn người tiêu dùng sẽ giúp nhà kinh doanh biết được nên kinh doanh sản phẩm cụ thể nào, đặc tính của sản phẩm là gì.
Marketing có khả năng tạo ra và thay đổi mong muốn để biến cơ hội kinh doanh tiềm ẩn thành cơ hội kinh doanh thực sự. Tuy nhiên, nhu cầu tự nhiên và ước muốn của con người là vô hạn nhưng khả năng mua của khách hàng lại bị giới hạn bởi khả năng thanh toán của họ.
Nhu cầu có khả năng thanh toán (Demand)
Là nhu cầu tự nhiên và mong muốn phù hợp với khả năng mua sắm, gọi ngắn gọn là cầu. Cầu là đại lượng có thể xác định được, điều kiện để tạo nên cầu là mong muốn kết hợp với khả năng và sự sẵn lòng mua.
Để kinh doanh hiệu quả, việc xác định cầu thị trường là điều quan trọng. Chính vì vậy, người làm Marketing cần dự đoán chính xác trạng thái của cầu và thay đổi trạng thái cầu theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.
Khái niệm Sản phẩm
Là tất cả những thứ được đưa ra chào bán trên thị trường có thể thỏa mãn nhu cầu hay ước muốn với mục đích thu hút sự chú ý mua sắm, sử dụng hay tiêu dùng.
Sản phẩm không đơn thuần chỉ là hàng hóa vật chất và dịch vụ, mà bao gồm cả các yếu tố vật chất và phi vật chất thoả mãn nhu cầu của khách hàng, giải quyết được vấn đề của họ.
Theo quan niệm Marketing, doanh nghiệp không bán sản phẩm mà bán những giá trị lợi ích sản phẩm đó mang lại.
Influencer marketing – Xu hướng hứa hẹn thống lĩnh thị trường
Giá trị, chi phí và sự thỏa mãn
Việc khách hàng có lựa chọn mua một sản phẩm phụ thuộc vào lợi ích mà sản phẩm đó đem lại, nó có thỏa mãn nhu cầu họ kỳ vọng hay không. Chính điều này đã hình thành nên khái niệm giá trị tiêu dùng.
Giá trị tiêu dùng sản phẩm
Là sự đánh giá của người tiêu dùng về khả năng của sản phẩm trong việc thỏa mãn nhu cầu đối với họ.
Đánh giá giá trị của sản phẩm đối với mỗi người tiêu dùng là khác nhau. Giá trị tiêu dùng của sản phẩm càng được đánh giá cao thì cơ hội thị trường càng lớn.
Chi phí của sản phẩm
Là tất cả những hao tổn mà người tiêu dùng phải bỏ ra để có được những lợi ích do sản phẩm đó mang lại.
Chi phí này bao gồm tiền bạc, thời gian, công sức và cả những chi phí khắc phục hậu quả phát sinh do việc tiêu dùng sản phẩm tạo ra.
Chi phí cũng là một cơ sở để khách hàng lựa chọn những sản phẩm khi chúng cùng thỏa mãn một nhu cầu.
Sự thỏa mãn
Là mức độ về trạng thái của người tiêu dùng khi so sánh lợi ích nhận được do tiêu dùng sản phẩm với những kỳ vọng của họ.
Affiliate marketing là gì – khái niệm, cách thức vận hành bạn nên biết
Trao đổi, giao dịch
Marketing xuất hiện khi con người quyết định thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của mình thông qua hình thức trao đổi. Vậy trao đổi là gì?
Trao đổi
Là hành động tiếp nhận một sản phẩm mà mình mong muốn từ một người bằng cách đưa lại cho người đó một thứ mà họ mong muốn.
Trao đổi là một cách thức tốt nhất để có thể thỏa mãn được nhu cầu, ước muốn.
Các điều kiện tiền đề của trao đổi:
- Phải có ít nhất 2 bên;
- Mỗi bên cần có 1 cái gì đó có giá trị đối với bên còn lại;
- Mỗi bên đều có khả năng chuyển giao thứ mình có;
- Mỗi bên đều có quyền tự do chấp nhận hay từ chối đề nghị của bên kia;
- Mỗi bên đều tin chắc là mình nên hay muốn giao dịch với bên kia.
Giao dịch
Giao dịch là đơn vị đo lường cơ bản của trao đổi, là một cuộc trao đổi giữa những vật có giá trị mang tính chất thương mại, cách thức giao dịch: hàng – hàng, hàng – tiền…
Điều kiện của giao dịch thương mại:
- Có ít nhất 2 vật có giá trị;
- Những điều kiện thực hiện giao dịch đã được thỏa thuận;
- Thời gian và địa điểm thực hiện đã được thỏa thuận.
Thị trường

Theo quan điểm Marketing, thị trường bao gồm tất cả những khách hàng tiềm ẩn có cùng một nhu cầu hay mong muốn cụ thể, sẵn sàng và có khả năng tham gia trao đổi để thỏa mãn nhu cầu và mong muốn đó.
Quy mô thị trường tùy thuộc:
- Số người có cùng nhu cầu;
- Khả năng hay nguồn lực thanh toán;
- Sự sẵn lòng tham gia trao đổi của những người có nhu cầu.
Tổng hợp kiến thức về Marketing cho mọi người
Cảm ơn bạn đã chọn đọc, xem thêm nhiều bài viết hay về Marketing tại https://multicontents.com/
16 Tháng Một, 2022